Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh miền Trung trong hai khổ thơ cuối của bài thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm)
Với ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, các giá trị văn hoá truyền thống làm nên bản sắc dân tộc không chỉ được lan toả mà còn được làm mới để nhập vào dòng chảy của đời sống đương đại.
Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh của người trẻ đối với bản sắc văn hoá dân tộc trong thời đại 4.0.
Hãy luôn nhớ cảm ơn và vote 5*
nếu câu trả lời hữu ích nhé!
Đây là câu trả lời đã được xác thực
Câu trả lời được xác thực chứa thông tin chính xác và đáng tin cậy, được xác nhận hoặc trả lời bởi các chuyên gia, giáo viên hàng đầu của chúng tôi.
C1.
Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, miền Trung luôn là nguồn cảm hứng lớn đối với nhiều nhà thơ bởi nơi đây không chỉ là vùng đất giàu truyền thống mà còn hứng chịu biết bao thiên tai, khắc nghiệt. Trong bài thơ Miền Trung, nhà thơ đã dành những lời thơ tha thiết và xúc động để ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên và phẩm chất con người nơi đây, đặc biệt là qua hai khổ thơ cuối giàu hình ảnh và cảm xúc. Hình ảnh “miền Trung mọc lên từ gian khó bao đời” là cách nói đầy biểu cảm, gợi lên một vùng đất luôn oằn mình chống chọi với thiên tai, nắng gió, nhưng vẫn kiên cường vươn lên. Chính thiên nhiên khắc nghiệt ấy đã tôi luyện nên những con người “tràn căng sinh lực”, “hào khí ngất trời”- những chàng trai, cô gái mang trong mình sức sống mãnh liệt và tinh thần bất khuất. Câu hỏi tu từ “ai đó có miền Trung trong máu?” nhấn mạnh vẻ đẹp kiên cường, như cây cỏ vẫn bám trụ giữa gió cát mặn mòi. Đặc biệt, hình ảnh “điệu ví dặm che cánh đồng khô khát” hay “biển ngóng chân trời” không chỉ gợi nỗi nhớ, nỗi khát khao mà còn thể hiện chiều sâu tâm hồn và đời sống văn hóa phong phú của con người nơi đây. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện lòng tri ân, ngợi ca một miền đất vừa dữ dội vừa dịu dàng - nơi sinh ra những con người kiên cường, thủy chung đến lạ thường.
C2.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, khoảng cách giữa các nền văn hóa bị thu hẹp lại nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và truyền thông số. Trong bối cảnh ấy, bản sắc văn hóa dân tộc những giá trị tinh thần cốt lõi hình thành nên tâm hồn một dân tộc - vừa có cơ hội được lan tỏa, lại vừa đứng trước nguy cơ bị lu mờ nếu không có sự gìn giữ và phát huy đúng cách. Chính vì thế, người trẻ ngày nay mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt: giữ gìn, làm mới và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy hiện đại.
Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị tinh thần bền vững được đúc kết qua hàng nghìn năm: từ ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán đến những truyền thống tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, tình làng nghĩa xóm, lòng nhân ái. Đó chính là “hồn cốt” của một dân tộc, là nền tảng để chúng ta tự tin hội nhập nhưng không hòa tan.
Ngày nay, mạng xã hội và truyền thông đã giúp những giá trị ấy có điều kiện lan tỏa rộng rãi hơn. Tuy nhiên, nếu không có sự dẫn dắt của thế hệ trẻ, những giá trị ấy có thể dần bị lãng quên, thay thế bằng các trào lưu nhất thời. Do đó, người trẻ cần có ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Trước hết, họ cần hiểu rõ, trân trọng những giá trị ấy, không chạy theo lối sống thực dụng, lai căng. Bên cạnh đó, người trẻ còn có trách nhiệm “làm mới” văn hóa truyền thống bằng tư duy sáng tạo và cách tiếp cận hiện đại.
Không khó để thấy nhiều bạn trẻ hiện nay đã và đang hoàn thành tốt sứ mệnh này. Đó là những vlogger, Tiktoker làm video giới thiệu văn hóa ẩm thực, áo dài, lễ hội dân gian đến cộng đồng quốc tế; những bạn trẻ khởi nghiệp với sản phẩm thủ công truyền thống mang hơi thở thời đại; hay đơn giản là một học sinh mặc áo dài đi học mỗi thứ hai, đăng tải câu ca dao trên mạng xã hội. Tất cả đều là những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn trong việc giữ gìn hồn Việt.
Tuy nhiên, để sứ mệnh ấy được thực hiện hiệu quả, người trẻ cần có bản lĩnh văn hóa, biết phân biệt đâu là tinh hoa cần giữ gìn, đâu là hủ tục cần loại bỏ. Bảo vệ bản sắc không có nghĩa là khép mình trong quá khứ, mà là biết cách thổi vào truyền thống một sức sống mới để văn hóa dân tộc không chỉ tồn tại, mà còn sống động trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong dòng chảy mạnh mẽ và không ngừng nghỉ của thời đại 4.0, bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ cần được giữ gìn mà còn cần được “sống” cùng hơi thở đương đại. Người trẻ hôm nay không thể đứng ngoài sứ mệnh ấy. Họ phải là những người vừa mang tinh thần đổi mới, sáng tạo, vừa mang trong mình tình yêu sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hóa không phải là giữ lấy cái cũ kỹ, lạc hậu, mà là cách để khẳng định bản lĩnh dân tộc giữa muôn vàn sắc màu toàn cầu. Khi người trẻ biết tự hào về văn hóa của chính mình, đó cũng là lúc Việt Nam cất lên tiếng nói riêng, tự tin và bản lĩnh trên bản đồ văn hóa thế giới.
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?
Bảng tin