Hãy luôn nhớ cảm ơn và vote 5*
nếu câu trả lời hữu ích nhé!
BÀI MẪU:
“Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử” (Shelly). Thơ ca lưu lại giữa đời những giá trị vững bền của cuộc sống lẫn những nhịp đập hối hả của trái tim để rồi mỗi lần đọc lên ta thấy lòng mình xao xuyến qua từng câu từng chữ bởi tình cảm, cảm xúc trong thơ được gửi gắm quá đỗi chân thành. Và bài thơ “Chỉ có thể là mẹ” của nhà thơ Đặng Minh đã thể hiện rõ nét điều đó.
Bóng dáng mẹ hiện lên giữa hoàng hôn sớm chiều mở đầu cho những tâm sự:
“Nắng dần tắt trên con đường nhỏ
Dáng mẹ gầy giẹo giọ liêu xiêu ”
Bằng cách vận dụng khéo léo những đặc trưng của thể thơ song thất lục bát, ngay từ hai câu bảy chữ đầu tiên đã khiến bài thơ trở nên giàu vần điệu, dẫn dắt người đọc đi vào mạch nguồn cảm xúc của tác phẩm. Phải đến khi trời tối dần, ánh nắng chỉ còn le lói trên con đường thân thuộc, ta mới nhìn thấy mẹ từ xa xa đi tới. Tại sao tác giả sử dụng hai từ láy “giẹo giọ, liêu xiêu” chứ không phải là bất kì từ nào khác như gầy gò, mệt mỏi, yếu ớt,...Có lẽ đó là bởi hai từ láy ấy không chỉ đơn thuần gợi lên hình ảnh người mẹ già gầy yếu, héo hon, lẳng lặng mà còn biểu lộ sự cơ cực, vất vả của cuộc đời đã giày vò mẹ đến kiệt quệ, khiến những bước chân của mẹ chẳng còn vững vàng. Cuộc đời mẹ cũng giống như những bước đi của mình, nghả nghiêng, bấp bênh như vậy, ấy thế mà mẹ vẫn lam lũ sáng tối ngày đêm vì để chúng con ăn no, mặc ấm mà quên đi chăm sóc dáng vẻ bản thân mình.
Tiếp theo đó, tác giả viết về cuộc đời mẹ với xót xa và biết ơn vô cùng:
“Cả đời mẹ long đong vất vả
Cho chồng con quên cả thân mình
Một đời mẹ đã hy sinh
Tuổi xuân phai nhạt nghĩa tình đượm sâu”
Bốn câu song thất lục bát với cách ngắt nhịp 3/4 3/2/2 đã nổi bật đức ''hi sinh'' cao cả của người mẹ giúp cho tác giả bộc bạch những xúc cảm chân thành mà có lẽ chỉ có thơ mới làm được. Cả cuộc đời đã gắn bó, vất vả vì chồng vì con vì mái ấm gia đình hạnh phúc. Lần này mẹ không chỉ quên đi bản thân mà còn sẵn sàng đánh đổi tất cả, bao gồm cả tuổi xuân - cái tuổi đẹp nhất của người phụ nữ. Thế nhưng dù tuổi xuân ''phai nhạt'' theo năm tháng thì tình cảm mẹ dành cho gia đình vẫn thấm đượm như thế có khi còn đậm đà hơn, trở thành một trong những điều tốt đẹp nhất trên thế gian.
Sau đó, tác giả tiếp tục tô đậm thêm hình ảnh tần tảo của người mẹ với dáng người gầy gò, khắc khổ với bút pháp miêu tả với những chi tiết tả thực như: “rụng rồi hàm răng, lưng còng tay yếu,...”:
''Rụng rồi thương lắm hàm răng
Lưng còng chân yếu ánh trăng cuối trời”
Chẳng những khắc họa chân thực hình ảnh người mẹ mà còn thể hiện tình cảm yêu thương mẹ tha thiết của con. Điều đó còn thể hiện qua từ ngữ ''thương lắm'', bộ lộ chân thành thứ tình cảm thiêng liêng mà đáng quý, được kết nối giữa con người với con người, cũng bởi những giá trị đích thực.
Đến đây, những câu thơ của Trương Nam Hương về mẹ lại văng vẳng bên tai tôi :
''Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con một ngày thêm cao”
Tác giả Trương Nam Hương cũng khắc họa chân thực hình ảnh của mẹ với dấu vết khắc khổ của thời gian. Thời gian đã làm thay đổi rất nhiều thứ nhưng chỉ có một thứ duy nhất không bao giờ thay đổi đó là tình yêu của mẹ dành cho con.
''Chỉ có thể là mẹ” là một tác phẩm thơ dạt dào cảm xúc với thể thơ song thất lục bát - một thể thơ truyền thống của Việt Nam. Với tình cảm da diết, bài thơ thể hiện nỗi lòng người thi sĩ: biết ơn, yêu thương, kính trọng của người con đối với mẹ. Tcá phẩm thơ sẽ trở thành ngọn lửa bất diệt sống mãi với thời gian, lưu giữ biết bao tình cảm chân thành, thiêng liêng của cuộc đời, của con người từ nay cho đến mãi về sau.
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?
Thạch Lam đã từng viết: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Cái đẹp hiện rõ giữa cuộc đời thì ai cũng có thể cảm nhận được vậy nên nhà văn phải là người không ngừng tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn ở những đối tượng, ở nơi tưởng chừng như không thể tồn tại cái đẹp để phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, toàn diện và đóng góp cho văn học những giá trị mới. Và nhà văn Nguyễn Thành Long đã làm được điều đó thông qua tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa". Khi lật mở từng trang văn của tác phẩm, người đọc không chỉ ngây ngất trong chất men say lãng mạn của thiên nhiên Sa Pa hùng vĩ, nên thơ, mà còn phải thán phục trước vẻ đẹp của những con người lao động lặng lẽ và âm thầm cống hiến cho đất nước.
"Lặng lẽ Sa Pa" được tác giả Nguyễn Thành Long sáng tác vào năm 1970, trong chuyến đi thực tế đến mảnh đất này, in trong tập "Giữa trong xanh". "Lặng lẽ Sa Pa" kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của ông họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng trong vòng nửa giờ trên đỉnh núi Yên Sơn khi xe nghỉ. Ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên trên núi. Anh bộc bạch với họ về công việc, về cuộc sống, về những suy nghĩ của mình. Ông họa sĩ đã kịp ghi lại ký họa chân dung anh. Anh muốn giới thiệu với ông họa sĩ những người khác xứng đáng hơn để vẽ. Sau ba mươi phút ngồi trò chuyện, ba người chia tay nhau trong tình cảm quyến luyến, xúc động.
Chính nhan đề của tác phẩm đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên Sa Pa đầy thơ mộng và yên bình. Hơn cả một bức tranh thiên nhiên, ẩn sâu trong đó còn là hình ảnh những con người vùng núi Tây Bắc đang "lặng lẽ" cống hiến sức mình cho đất nước. Các nhân vật không có tên riêng mà được gọi tên theo nghề nghiệp, ý tác giả muốn nói đến nhiều người với nhiều ngành nghề khác nhau ở Sa Pa, nhưng điểm chung là họ đều ra sức lao động cống hiến sức mình, hi sinh thầm lặng để xây dựng quê hương đất nước. Họ làm việc với thái độ vô tư, có trách nhiệm với công việc của mình mà không hề đòi hỏi bất cứ một quyền lợi nào cho bản thân. Tác phẩm đã khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp của những con người bình thường nhưng vẫn miệt mài lao động, lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc nơi núi rừng Tây Bắc.
Sa Pa hiện lên trong mắt bạn đọc với ngôn ngữ điêu luyện đã trở thành một bức tranh thiên nhiên đẹp, sống động, và đầy chất thơ. Qua ngòi bút của Nguyễn Thành Long, thiên nhiên nơi đây đi vào truyện của ông với một cái nhìn dịu dàng, trong trẻo làm con người ta không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Theo bước chân của nhà văn, ta không khỏi ngỡ ngàng trước bầu trời xanh bao la. Mây ở đây hiện ra mang một vẻ đẹp kì thú: "mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe làm cho không gian ở đây trở nên mát lạnh, mờ ảo". Nắng ở Sa Pa cũng thật đẹp: "nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây, hừng hực như một bó đuốc lớn". Những con đèo khi được nắng chiếu sáng cũng trở nên đẹp lạ thường: "nắng đã mạ bạc cả con đường đèo. Hoa ở Sa Pa thì muôn màu rực rỡ. Dưới lăng kính quan sát tinh tế của nhà văn, phong cảnh Sa Pa thật đẹp biết nhường nào. Sa Pa như một bức tranh vừa hoang sơ, lặng lẽ, thơ mộng, vừa hùng vĩ, kì ảo. Bút pháp lãng mạn kết hợp với vẻ đẹp của ngôn từ đã dệt lên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, khơi gợi trong lòng ta một tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt.
Không chỉ đẹp vì thiên nhiên mà Sa Pa còn đẹp thêm biết bao với những con người chăm chỉ làm việc, quên mình vì đất nước. Những nhân vật trong câu chuyện trên đều là những người có vẻ đẹp cao cả, vĩ đại. Họ là những người có lý tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng cống hiến hết sức mình cho công việc. Anh thanh niên là nhân vật chính nhưng không xuất hiện với một cách trực tiếp mà xuất hiện qua lời giới thiệu của bác lái xe với ông họa sĩ và cô kỹ sư nông nghiệp khi họ nghỉ ngơi trên dọc đường. Anh hiện lên vô cùng tự nhiên, chân thực, khách quan qua cái nhìn nhận và đánh giá của nhân vật khác. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh thanh niên và ông họa sĩ tuy ngắn ngủi nhưng người đọc đủ cảm nhận sâu sắc hoàn cảnh sống, làm việc và những phẩm chất tốt đẹp của anh. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. Thế nhưng anh không hề cảm thấy buồn tẻ, chán nản mà rất hạnh phúc “khi có công việc là đôi". Chính những suy nghĩ và thái độ sống tích cực đã giúp anh vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh sống và công việc của mình. Mặc dù “Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn vặn to đến cỡ nào vẫn thấy không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới…” nhưng anh thanh niên vẫn luôn kiên cường bám trụ và hết mình với công việc. Anh thanh niên còn là người nồng hậu và mến khách. Thời gian đầu khi tiếp nhận công việc trên đỉnh Yên Sơn bốn bề chỉ có “cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, anh đã không ít lần “kiếm kế dừng xe” để thỏa mãn sự “thèm người” của mình. Trong khi giao tiếp, anh cũng thể hiện tình cảm quý trọng của mình với mọi người. Anh đã tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe bị ốm, trao làn trứng cho ông họa sĩ già. Cũng giống như anh, cô kĩ sư cũng là một người yêu nghề. Cô là kĩ sư trẻ mới ra trường lần đầu tiên xa Hà Nội, dũng cảm lên nhận công tác ở Lai Châu. Một người con gái trẻ mà lên làm công tác ở vùng cao ít người như vậy, hỏi mấy ai được như cô?
Thông qua lời kể của anh thanh niên, ta còn thấy một ông kĩ sư vườn rau cần cù, say mê, chăm chỉ làm việc, ngày ngày quan sát cách lấy mật của ong, cách ong thụ phấn để tìm cách tăng năng suất cây trồng. Còn anh kĩ sư nghiên cứu bản đồ sét thì mười một năm không xa rời cơ quan, luôn trong tư thế sẵn sàng đợi sét để lập bản đồ sét Việt Nam mặc cho tuổi xuân trôi đi, quên cả hạnh phúc của mình. Tất cả những con người ấy đều chăm chỉ lao động, có tinh thần trách nhiệm với sự phát triển của đất nước.
Nguyễn Thành Long viết nên tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" để nói về khát vọng được cống hiến sức mình cho đất nước của những người lao động nhỏ bé. Khát vọng cống hiến ấy cũng chính là sự gặp gỡ với thi phẩm “Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Thanh Hải đã gửi gắm vào những vần thơ của mình khát vọng cống hiến, mong muốn được góp sức lực nhỏ bé của mình cho mùa xuân lớn của đất nước. Tác giả chọn cho mình cách cống hiến thầm lặng nhưng nó sẽ tô điểm thêm cho sắc xuân của đất nước. Mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời của Thanh Hải và những người đang âm thầm cống hiến cho đất nước của "Lặng lẽ Sa Pa" đều là những con người có khát vọng cống hiến mãnh liệt.
"Lặng lẽ Sa Pa" được viết theo cốt truyện đơn tuyến, xoay quanh một tình huống hợp lý - cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kỹ sư nông nghiệp cùng cách kể chuyện tự nhiên đã giúp tác phẩm ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng độc giả. Tác phẩm có sự kết hợp giữa tự sự, miêu tả và bình luận, đây là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp phần thành công của truyện. Ngôi kể thứ ba nhưng lại được đặt theo điểm nhìn của ông họa sĩ. Hầu như người kể chuyện đã nhập vào điểm nhìn và tư tưởng của ông họa sĩ để quan sát và miêu tả cảnh thiên nhiên. Qua cảm xúc và suy nghĩ của ông họa sĩ thì nhân vật anh thanh niên được hiện lên rõ nét, đẹp hơn và có chiều sâu về tư tưởng. Nghệ thuật xây dựng nhân vật tự nhiên, gần gũi đã khẳng định tài năng của tác giả Nguyễn Thành Long. Qua đó, bạn đọc đã cảm nhận được bức tranh chân dung về những người lao động cống hiến quên mình cho công việc, cho đất nước. Chất trữ tình tạo nên lời văn mượt mà, trau chuốt đầy chất thơ như một bản nhạc ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và con người vùng đất Sa Pa.
Trong vở kịch "Hamlet" của William Shakespeare, tác giả có gieo vào lòng người một câu hỏi đầy trăn trở: "Tồn tại hay không tồn tại?". Và có lẽ, một tác phẩm văn học chỉ có thể tồn tại cùng năm tháng khi được bồi đắp bởi tài năng và tấm lòng người cẩm bút. Bởi lẽ, thời gian là thứ nước rửa hình tàn nhẫn khiến bãi bể hoá nương dâu, trăm hương hoa tiêu biến nhưng lại càng tôn vinh những giá trị độc đáo trong văn chương. Cũng chính chính vì vậy, truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" đã vượt lên trên sự băng hoại của thời gian, đi sâu vào lòng mỗi độc giả và đem lại những giá trị tốt đẹp về khát vọng cống hiến, lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?
Bảng tin