Hãy luôn nhớ cảm ơn và vote 5*
nếu câu trả lời hữu ích nhé!
Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) là nhà văn quân đội. Ông sinh năm 1932 ở An Giang. Ông là cây bút có sở trường về truyện ngắn và kịch bản phim. Các tác phẩm của ông tập trung vào đề tài cuộc sống và con người Nam Bộ những năm chiến tranh và sau hòa bình. Ông có lối viết văn giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc, xoay quanh những câu chuyện đời thường nhưng vô cùng ý nghĩa. Nhắc đến ông chúng ta phải kể đến các tác phẩm “Chiếc lược ngà” (1966), “Mùa gió chướng”(1975), “Dòng sông thơ ấu” (1985),…trong đó tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông là truyện ngắn “Chiếc lược ngà” viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ những năm chống Mỹ. Truyện đã khẳng định nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc, xây dựng tình huống bất ngờ và ca ngợi tình phụ tử thắm thiết, sâu nặng, thiêng liêng và cao đẹp dù là trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.Vẫn viết về một đề tài dường như đã cũ song truyện mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua nghệ thuật xây dựng tình huống truyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật, tác giả xây dựng thành công nhân vật ông Sáu- một cán bộ cách mạng trong kháng chống Mĩ nổi bật là tấm lòng yêu con sâu sắc.
Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến mãi đến khi con gái lên tám tuổi mới có dịp về thăm. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm ông không còn giống với người trong ảnh chụp mà em biết, cho nên em đối xử với ba như người xa lạ. Đến lúc Thu nhận ra ba, tình cảm cha con thức dậy thật mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở nơi căn cứ, ông Sáu dành hết tình cảm thương nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng cho cô con gái bé bỏng. Trong một trận càn, ông Sáu đã hi sinh. Trước lúc nhắm mắt ông còn kịp trao chiếc lược ngà cho bạn. Là nhân vật chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh. Chiến tranh không chỉ làm tổn thương về thể xác mà còn mang đến những đau đớn dằn vặt về tinh thần cho ông. Nỗi đau ấy cũng là tiêu biểu cho những mất mát hi sinh của nhân dân ta thời kì kháng chiến.
Ông Sáu là một cán bộ cách mạng, nhiệt tình, tận tâm với công việc, có tình yêu hương đất nước sâu nặng. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường tham gia kháng chiến, chấp nhận xa gia đình, xa con gái đầu lòng cũng là đứa con duy nhất gần tám năm: từ năm 1946 mà mãi đến khi hòa bình lập lại, ông mới về thăm quê một vài ngày vào năm 1954. Như vậy ông Sáu đã tham gia chiến đấu trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, rồi hy sinh anh dũng trên chiến trường Nam Bộ trong một trận càn lớn của Mĩ Ngụy với tư cách là một chiến sĩ cộng sản. Lần về thăm nhà sau tám năm xa cách, ông muốn gần gũi chăm sóc con nhưng bé Thu lại kiên quyết không nhận ông là ba. Khi con gái đã nhận ông muốn giữ ông nhưng ông vẫn phải lên đưòng làm nhiệm vụ. Vì nhiệm vụ của cách mạng,vì cuộc kháng chiến còn nhiều gian khổ, cam go ông không thể lơ là, ông không thể ở lại cùng con. Dù không được mtả chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể về các công việc cách mạng của ông Sáu nhưng chỉ bằng vài chi tiết nhỏ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa một cách rõ nét phẩm chất cách mạng của ông Sáu: yêu nước, hết lòng vì công việc, sẵn sàng hi sinh những tình cảm riêng tư cho đất nước.
Đọc "Chiếc lược ngà”-Nguyễn Quang Sáng, người đọc còn dành tình cảm yêu mến, cảm phục với người cha- chiến sĩ ấy bởi tình thương con sâu sắc, cảm động của ông. Khi xa con, ông chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ, lúc nào ông cũng khao khát được gặp con. Lúc trở về cái tình người cha cứ nôn nao trong ông. Nhìn thấy một đứa trẻ độ tám tuổi tóc cắt ngang vai trước nhà, đoán biết là con, không chờ xuồng cập bến, ông nhảy thót lên với bước dài “Thu! Con.” và nghĩ là con sẽ chạy xô vào lòng ôm chặt lấy ông. Giọng ông lặp bặp run run “Ba đây con!” nhưng bé Thu sợ hãi vụt chạy khiến ông sững lại và đau đớn. Trong ba ngày ngắn ngủi, dù bé Thu không nhận ông là cha nhưng lúc nào ông cũng ngóng chờ con, mong một tiếng "ba"của con bé. Con bé bướng bỉnh, ương ngạnh đã hất cái trứng khỏi bát khi ông gắp cho nó, lúc nóng giận, ông lỡ vung tay đánh con để rồi sau này lúc nào trong lòng cũng day dứt, ân hận. Khi chia tay, bé Thu bất ngờ gọi ông là ba, ôm chặt lấy ông, không có niềm hạnh phúc nào bằng niềm hạnh phúc lớn lao này, ông bế nó lên, "một tay ôm con một tay rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con". Những giọt nước mắt hiếm hoi của một cuộc đời từng trải nhiều gian khổ vất vả, song lại rơi khi lần đầu tiên ông cảm nhận được sự ấm áp của tình cha con thực sự! Đau đớn hơn khi biết rằng đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông được nghe tiếng ba thân thương từ cô con gái nhỏ, bởi vì sau đó, chẳng bao giờ ông có thể trở về được nữa!
Trong những ngày ở khu căn cứ, ông ân hận vì đã trót đánh con. Nhớ mãi lời con dặn: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”, đó là mong ước đơn sơ của con gái bé bỏng trong giây phút cha con từ biệt. Nhưng đối với ông thì đó là mơ ước đầu tiên và cũng là duy nhất, nên nó cứ mãi thôi thúc trong lòng ông. Lúc tìm được một khúc ngà, ông đã vui mừng “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Ngày qua ngày, ông cặm cụi cưa từng răng lược, anh còn khắc lên đó dòng chữ nhỏ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Những lúc nhớ con ông lại mang cây lược ra mài lên tóc mình cho cây lược thêm óng mượt, tuy rằng chiếc lược ấy chưa chải được mái tóc của bé Thu nhưng lại gỡ rối được tâm trạng của ông lúc này. Ông đã nâng niu chiếc lược như nâng niu đứa con bé nhỏ của mình. Lòng yêu con đã biến một người chiến sỹ trở thành một nghệ nhân sáng tạo tài tình, dù chỉ sáng tạo môt tác phẩm duy nhất trong đời. Có lẽ những lúc ấy ông mong có một lần về phép thăm nhà để tự tay mình cầm cây lược chải tóc cho con. Đau đớn thay chiến tranh khiến ông chẳng bao giờ có thể trở về bên con gái được nữa. Ông đã hy sinh trong một trận càn lớn, nhưng “dường như chỉ có tình cha con là không thể chết”, ông cầm cây lược trao cho người bạn thân với niềm mong mỏi không còn có thể cất được thành lời. Từ lúc ấy, cây lược bằng ngà đã trở thành kỷ vật, thành biểu tượng thiêng liêng của tình phụ tử. Những dòng cuối cùng của truyện khép lại trong nỗi buồn mênh mông mà chứa chan ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Câu chuyện như một lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa gây đổ máu vô ích, làm nhà nhà li tán, người người xa nhau vĩnh viễn. Song cái chúng ta thấy lại không có sự bi lụy mà là sức mạnh, lòng căm thù đã biến Thu trở thành một cô giao liên dũng cảm,mạnh mẽ, đã gắn bó với cuộc đời con người mất mát xích lại gần nhau để cùng đứng lên hát tiếp bài ca chiến thắng. Chủ đề của chuyện không mới lạ, nhưng tác giả thành công bởi đã khai thác tình cha con trong những tình huống éo le và cảm động. Cách lựa chọn ngôi kể, tạo lập tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lý cùng với việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế, sâu sắc đặc biệt là tâm lý trẻ thơ, hơn nữa lãi có giọng văn dung di, cảm động đã giúp truyện có được vị trí riêng trong lòng độc giả.
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà”của Nguyễn Quang Sáng là một áng văn bất hủ ca ngợi tình phụ tử giản dị mà thiêng liêng, với những con người giàu tình cảm và đẹp đẽ như nhân vật ông Sáu- một cán bộ cách mạng trong kháng chống Mĩ nổi bật là tấm lòng yêu con sâu sắc. Nhân vật ông Sáu điển hình cho số phận đau thương và vẻ đẹp tâm hồn của người dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ. Câu chuyện gợi cho chúng ta những suy ngẫm và thấm thía được sự đau thương, mất mát của chiến tranh tàn khốc gây ra. Vì thế mà ta càng quí cuộc sống thanh bình của ngày hôm nay, quý tình cha cao thượng và vĩ đại. Mỗi người đều lưu giữ trong trái tim mình hình ảnh một người cha, hãy biết trân trọng tình yêu và sự hy sinh vô điều kiện mà cha đã dành cho ta. Vòng đời mới ngắn ngủi làm sao, đừng mãi sống ích kỷ, chỉ biết nhận tình cảm thương yêu từ cha mẹ mà chẳng bao giờ đền đáp lại. Nếu bạn còn cha, và một người cha đúng nghĩa thì hãy cảm ơn thượng đế vì bạn đã được sinh ra trong cuộc sống này!
Hãy giúp mọi người biết câu trả lời này thế nào?
Xem thêm:
Bảng tin
184
864
216
Ko cóa ai vote thì me vote😅😅